Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Vì sao Việt Nam được mời tham gia TPP?

Việt Nam vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng cho đến nay nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi tại sao Việt Nam lại được mời tham gia một hiệp định thương mại tự do lớn đến như vậy.

www.goldenmark.org - Công ty Golden Mark là nhà cung cấp dịch vụ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực vận chuyển đường hàng không, vận chuyển đường biển và vận chuyển nội địa.

Con đường đến với TPP của Việt Nam
Trong buổi họp báo cung cấp thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định TPP cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết TPP khởi đầu có 4 nước tham gia là Brunei, Chile, New Zealand và Singpore, vì vậy được gọi là Hiệp định P4. Tháng 9/2008, Mỹ tuyên bố tham gia, nhưng các bên sẽ đàm phán một hiệp định hoàn toàn mới, gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Sau đó các nước Australia, Peru cũng tuyên bố tham gia.
Ngay từ khi TPP được hình thành, Việt Nam đã được các nước TPP mời tham gia. Việt Nam đã tham gia đàm phán ngay từ những ngày đầu nhưng chưa phải thành viên chính thức mà là thành viên liên kết. Sau 3 phiên tham dự với tư cách thành viên liên kết, Việt Nam chính thức tham gia TPP từ tháng 11/2010.
Trong quá trình đàm phán, TPP đã tiếp nhận thêm các thành viên mới là Malaysia, Mexico, Canada và Nhật Bản, nâng tổng số nước tham gia lên thành 12 vào giữa năm 2013. Sau đó, một số nước khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Columbia cũng bày tỏ ý muốn tham gia nhưng các nước TPP thống nhất cần tập trung cho việc kết thúc đàm phán trước khi kết nạp thêm thành viên mới.
Cuối cùng, 12 nước đã kết thúc đàm phán trong vòng đàm phán khẩn trương kéo dài 5 ngày tại Atlanta (Mỹ) từ 30/9 đến 5/10/2015.
Các nước tham gia đàm phán đặt ra một số mục tiêu cho Hiệp định TPP. Thứ nhất là tạo ra một mô hình mới về hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy thương mại và đầu tư và nếu có thể thì biến TPP thành hạt nhân để hình thành một khu vực thương mại tự do chung cho toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ hai là đi con đường ngắn nhất để đạt lợi ích cao nhất. Do khu vực thương mại tự do mà TPP tạo ra rất lớn (có tổng GDP hơn 28.000 tỷ USD, chiếm 40% tổng GDP và hơn 30% tổng thương mại toàn cầu) nên các dây chuyền cung ứng sẽ có động lực dịch chuyển về khu vực này, tạo ra lợi thế và lợi ích kinh tế to lớn cho tất cả các nước tham gia.
Thứ ba là những nước chưa có quan hệ FTA với Mỹ như Nhật Bản, New Zealand, Malaysia và Việt Nam đều mong muốn thông qua TPP để thiết lập FTA với Mỹ và tiếp cận thị trường rộng lớn này.
Tại sao lại là Việt Nam?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh – trưởng đoàn đàm phán Hiệp định TPP – cho biết tuy là nền kinh tế phát triển ở trình độ thấp, nhưng Việt Nam lại được chọn là một trong những nước tham gia đàm phán và được các nước đánh giá cao vì một số lý do.
Thứ nhất, trong những năm Đổi Mới vừa qua, Việt Nam đã chứng tỏ là một quốc gia năng động, nhất quán thi hành đường lối Đổi Mới; nghiêm túc trong việc thực thi cam kết quốc tế; có môi trường chính trị ổn định và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực; là một đối tác quan trọng trong hiện tại và tương lai, có thể giúp tăng ảnh hưởng của TPP.
Thứ hai, Việt Nam có quy mô dân số đáng kể, nền kinh tế phát triển năng động, hứa hẹn trở thành thị trường có sức mua lớn, là điểm đến được doanh nghiệp các nước, nhất là tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hết sức quan tâm.
Thứ ba, và cũng rất quan trọng, việc Việt Nam – một nước đang phát triển ở trình độ thấp - có thể tham gia thành công vào TPP sẽ là bằng chứng thuyết phục về việc Hiệp định TPP thực sự quan tâm đến các nước đang phát triển thông qua các biện pháp đa dạng để hỗ trợ một nước đang phát triển thực thi các tiêu chuẩn cao của Hiệp định này.
“Đây là yếu tố quan trọng, giúp thu hút các nước có trình độ phát triển kinh tế chưa cao cùng tham gia vào TPP để TPP có thể mở rộng trong tương lai,” ông Khánh nhấn mạnh.
Ông cho rằng một nền kinh tế đang phát triển nếu quyết tâm vẫn có thể tham gia vào một hiệp định tiêu chuẩn cao, nếu có sự giúp đỡ của các nước thành viên tham gia hiệp định đó thông qua các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật cũng như các linh hoạt cần thiết cho việc thực thi các cam kết.
Tác động của TPP đối với Việt Nam
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, hội nhập luôn đi kèm với các rủi ro và thách thức, nhưng kinh nghiệm quốc tế cũng như của nước ta trong 30 năm đổi mới cho thấy mặt thuận lợi là cơ bản, rủi ro và thách thức là có thể kiểm soát được.
Về thuận lợi, tham gia TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, giúp thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
Về kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Theo các nghiên cứu này, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.
Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn. Riêng ngành dệt may, theo tính toán cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Việt Nam cũng sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu để tăng giá trị nội địa, giúp ngành may phát triển bền vững.
Tương tự, ngành giày dép của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tăng đáng kể xuất khẩu, còn các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cơ hội tăng xuất khẩu cũng rất lớn.
Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới, được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Một số tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ.
Cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh.
Về thách thức, có 2 thách thức lớn. Về thương mại hàng hóa, với một số chủng loại nông sản mà một số nước TPP có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt lợn, thịt gà - những mặt hàng chúng ta đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu.
Tuy nhiên, ông Khánh cho biết ngành chăn nuôi của Việt Nam theo đàm phán sẽ có ít nhất 10 năm để chuẩn bị khi thuế suất về 0%.
Một số sản phẩm công nghiệp như giấy, thép, ô tô thì sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì sản phẩm của Việt Nam hướng đến phân khúc thị trường trung bình, trong khi sản phẩm của các nước TPP khác thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.
Một số sản phẩm thuế nhập khẩu của Việt Nam đang duy trì ở mức cao, nên việc hạ thuế về 0% chủ yếu sẽ gây giảm thu thuế nhập khẩu là chính, không gây ra sức ép cạnh tranh, bao gồm: bánh kẹo, chất tẩy rửa, đồ trang sức, sản phẩm kim loại, điều hòa không khí, đồ nội thất, xe mô-tô phân khối lớn, rượu, thuốc lá.
Về thương mại dịch vụ và đầu tư, mở cửa thị trường này sẽ không ảnh hưởng tới quyền chủ động của Nhà nước trong quản lý, cụ thể là không ảnh hưởng tới quyền áp dụng các biện pháp quản lý không mang tính phân biệt đối xử, theo các tiêu chí minh bạch, áp dụng chung.
Nguồn trung tâm WTO

1 nhận xét:

Về thương mại dịch vụ và đầu tư, mở cửa thị trường này sẽ không ảnh hưởng tới quyền chủ động của Nhà nước trong quản lý, cụ thể là không ảnh hưởng tới quyền áp dụng các biện pháp quản lý không mang tính phân biệt đối xử, theo các tiêu chí minh bạch, áp dụng chung.

Đăng nhận xét