Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Thương mại biên giới Việt- Trung: Cần chính sách cho nông sản xuất khẩu

Thương mại Việt- Trung có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội vùng biên, song, cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu phụ vẫn chưa được đầu tư xây dựng, đặc biệt phía Trung Quốc chưa đầu tư xây dựng hệ thống bến bãi tập kết, giao nhận hàng hóa nên dẫn đến ùn tắc ảnh hưởng tới hoạt động XNK, nhất là các mặt hàng nông sản XK của Việt Nam.


Hiệu quả chưa đồng đều
Hiện tuyến biên giới Việt - Trung chiếm 85% tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu biên giới. Thống kê số liệu tổng hợp báo cáo của 6 Cục Hải quan biên giới tiếp giáp với Trung Quốc thì trị giá hàng XK sang Trung Quốc năm 2015 đạt 17,141 tỷ USD; trị giá hàng NK từ Trung Quốc đạt 49,526 tỷ USD; trị giá hàng tạm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam để tái xuất sang nước khác đạt 1,541 tỷ USD; trị giá hàng tạm nhập từ nước khác vào Việt Nam để tái xuất sang Trung Quốc đạt 3,016 tỷ USD.

Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn (đại diện Tiểu ban công tác cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Là một tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc nên hoạt động thương mại biên giới ở Lạng Sơn trong năm 2015 diễn ra khá sôi động khi Lạng Sơn có tới 5 huyện biên giới, 1 cửa khẩu chính, 9 cửa khẩu phụ và 253 km đường biên giới. Giao thương với Trung Quốc đạt gần 4 tỷ USD, trong đó hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD. Chỉ tính riêng hàng nông sản, hoa quả XK sang Trung Quốc qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt 1 tỷ USD, chủ yếu xuất qua cửa khẩu Tân Thanh.

Theo ông Nguyễn Công Trưởng, dù kim ngạch xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc lớn nhưng phía Trung Quốc chỉ nhận hàng qua cửa khẩu Tân Thanh khiến cho hàng hóa bị ùn ứ tại cửa khẩu. Trong khi đó, phần lớn sản phẩm như dưa hấu, thanh long, nhãn, xoài, chuối xanh... của Việt Nam lại xuất sang Trung Quốc. Riêng trong năm 2015, lượng hàng nông sản xuất sang Trung Quốc rất lớn: Dưa hấu là 200 nghìn tấn, thanh long khoảng 600 nghìn tấn, vải thiều trên 200 nghìn tấn... Trung bình mỗi ngày có khoảng 800-1.000 xe hàng xuất qua cửa khẩu Tân Thanh. Trong khi đó, bến bãi phía Trung Quốc khá chật hẹp, mỗi ngày chỉ thu mua được 250-350 xe. Mặt khác hàng hóa của Việt Nam bán theo tính chất thỏa thuận, không có hợp đồng XK ràng buộc do vậy công tác thông quan cũng bị ảnh hưởng.

Hoạt động thương mại biên giới là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên những địa bàn biên giới trọng yếu. Tuy nhiên, hiệu quả mà công tác quản lý hoạt động thương mại biên giới vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế chưa đồng đều tại các tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai hoạt động của Ủy ban Hợp tác quản lý cửa khẩu Việt Nam (Ủy ban Cửa khẩu) diễn cuối tháng 2 vừa qua, đại diện Tiểu ban công tác cửa khẩu của 7 tỉnh biên giới tiếp giáp với Trung Quốc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên) đã báo cáo kết quả về hợp tác quản lý cửa khẩu trong việc tạo thuận lợi cho XK nông sản qua cửa khẩu biên giới đất liền. Theo đó, chỉ có đại diện Tiểu ban công tác cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn báo cáo chi tiết hiệu quả mà công tác này mang lại, đại diện 6 Tiểu ban còn lại chưa đánh giá sát kết quả của hoạt động biên giới trong việc tạo thuận lợi cho XK nông sản. Điều này chứng tỏ, hiệu quả của hoạt động hợp tác, quản lý cửa khẩu trong việc tạo thuận lợi cho XK nông sản cũng như triển khai biện pháp giúp thông quan nông sản của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức.

Cũng theo đánh giá từ Ủy ban Cửa khẩu, đơn vị này đã chủ động chỉ đạo các Tiểu ban mở rộng bến bãi, kho hàng, đầu tư trang thiết bị gắn liền với đơn giản hóa quy trình thủ tục thông quan, kéo dài thời gian mở cửa khẩu nhằm giải quyết nhanh chóng thuận tiện cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu, nhưng công tác quản lý vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế phát triển thương mại biên giới của Việt Nam với các nước có chung biên giới.

Chia sẻ về những hạn chế tại tuyến biên giới Việt-Trung, đại diện Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương) cho biết, hiện tại một số cửa khẩu, lối mở biên giới, hàng hóa hợp pháp xuất xứ Việt Nam được mở tờ khai, làm thủ tục đầy đủ bên phía Việt Nam (hình thức chợ biên giới theo quy định của Trung Quốc), nhưng phía Trung Quốc yêu cầu chuyển tải sang xe biên mậu để đưa sang Trung Quốc theo hình thức chợ biên giới, nhằm tận dụng chính sách ưu đãi 8.000 nhân dân tệ/người/ngày của Trung Quốc. Cách làm này gây chậm trễ, bất tiện cho thông quan hàng hóa của DN Việt Nam.

Cần chính sách đặc thù
Để phát triển được thương mại biên giới, thúc đẩy giao thương giữa Việt-Trung, đại diện Tổng cục Hải quan (thành viên của Ủy ban Cửa khẩu) nêu, hiện nay nhiều cửa khẩu cơ sở hạ tầng vẫn chưa được đầu tư xây dựng, đường giao thông vận chuyển hàng hóa còn khó khăn. Đặc biệt, phía Trung Quốc chưa đầu tư xây dựng hệ thống bến bãi tập kết giao nhận hàng hóa XNK đảm bảo nên thường xảy ra ùn tắc khi lượng hàng lớn cần NK. Bên cạnh đó, Trung Quốc là nước có chung biên giới với Việt Nam có chế độ chính sách thương mại đặc thù, vì vậy việc sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định thương mại biên giới cần đảm bảo hài hòa với chính sách, quy định thương mại biên giới của nước này trên cơ sở bảo vệ lợi ích, phát triển giao lưu kinh tế, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, Ủy ban Cửa khẩu cũng cần trao đổi với Ủy ban Hợp tác quản lý cửa khẩu phía Trung Quốc và chính quyền các tỉnh biên giới Trung Quốc đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi giao nhận và có chính sách quản lý hàng hóa XNK tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hàng hóa XNK, nhất là các mặt hàng nông sản XK của Việt Nam.

Nhấn mạnh về chính sách phát triển này, đại diện Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi cho rằng, để quản lý và phát triển thương mại biên giới Ủy ban Cửa khẩu cần tiếp tục phối hợp với phía Trung Quốc thúc đẩy việc đầu tư phát triển hạ tầng thương mại khu vực cửa khẩu biên giới, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa dịch vụ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho XK hàng nông sản qua thương mại biên giới, nhất là thời gian vào vụ thu hoạch để XK mặt hàng nông sản.

Trong thời gian tới, nhiều tỉnh đặt mục tiêu phát triển thương mại biên giới với Trung Quốc bởi vai trò cũng như đóng góp to lớn của hoạt động này vào việc tăng nguồn thu cho mỗi tỉnh, đóng góp vào nguồn ngân sách Nhà nước. Xuất phát từ thực tế hiện nay, ông Nguyễn Công Trưởng nhấn mạnh, Ủy ban Cửa khẩu cần tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc xây dựng các kho hàng nông sản để phân loại, bảo quản lâu dài cho thương nhân Trung Quốc sang mua hàng tại Việt Nam. Đồng thời, cho phép các DN của Trung Quốc được NK hàng nông sản qua các cửa khẩu phụ thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn; đề xuất Chính phủ thí điểm cho phép Chủ tịch UBND các tỉnh biên giới được phép cho hàng hóa TNTX hàng XK nông sản của Việt Nam được XK qua các điểm thông quan thuộc các mốc gần cửa khẩu phụ, lối mở sang Trung Quốc, có như vậy mới đẩy mạnh thương mại biên giới Việt -Trung lên bước phát triển mới và hỗ trợ cho XK nông sản được thuận tiện, nhanh chóng.

Nguồn Báo Hải Quan.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét